Tam Ly Hoc - Xa Hoi Hoc - K38 - DHTH
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Các lý thuyết về hành động xã hội - Phần IV

Go down

Các lý thuyết về hành động xã hội  - Phần IV Empty Các lý thuyết về hành động xã hội - Phần IV

Bài gửi  Nguyen Hong Ha Sun Nov 11, 2007 9:39 pm

Bùi Thế Cường
Tạp chí Khoa học xã hội
Hành động xã hội trong quan niệm của Weber

Weber được xem là nhà xã hội học đầu tiên khởi xướng quan điểm hành động xã hội. Theo ông, đối tượng đích thực của xã hội học là hành động xã hội. ông nói: "Xã hội học... là một khoa học cố gắng hiểu theo kiểu diễn giải hành động xã hội để bằng cách đó đạt tới việc giải thích nhân quả về chuỗi hành động và tác động của nó. Hành động là hành vi con người khi và chỉ trong chừng mực khi cá nhân đang hành động gắn một ý nghĩa chủ quan vào đó" (Bailey, 2003, tr. 185). Với Weber, hành động xã hội là hành động hướng đến những người khác có ý nghĩa và hướng đến cái mà chú thể gán cho một ý nghĩa chủ quan. ông cho rằng giải thích xã hội học dối với hành động phải bắt đầu bằng việc quan sát và lý giải trạng thái tinh thần chủ quan. Trong khi nhà thực chứng luận nhấn mạnh đến sự kiện và quan hệ nhân quả, thì nhà hành động luận nhấn mạnh đến sự thấu hiểu. Vì không thể đi vào bên trong đời sống tinh thần của chủ thể. nên nhà xã hội học phải phát hiện các ý nghĩa. đạt được sự thấu hiểu bằng phương pháp lý giải, mà không thể bằng đo lường khách quan. Vì các ý nghĩa thường xuyên được dàn xếp trong quá trình tương tác, nên không thể thiết lập được các quan hệ nhân quả đơn giản.

Weber thừa nhận sự tồn tại của các phạm trù như giai cấp, đảng phái, nhóm vị thế, quan liêu. Nhưng tất cả những cái đó đều được tạo nên bởi những cá nhân đang thực hiện hành động xã hội. Do đó, theo Weber, hành động xã hội phải là tâm điểm của xã hội học.

Định nghĩa hành động xã hội

Theo quan niệm của Weber, một hành động xã hội là một hành động của một cá nhân mà có gắn một ý nghĩa vào hành động ấy, và cá nhân đó tính đến hành vi của người khác, bằng cách như vậy mà định hướng vào chuỗi hành động đó. Một hành động mà một cá nhân không nghĩ về nó thì không thể là một hành động xã hội. Mọi hành động không tính đến sự tồn tại và những phản ứng có thể có từ những người khác thì không phải là hành động xã hội. Hành động không phải là kết quả của quá trình suy nghĩ có ý thức thì không phải là hành động xã hội.

Weber cho rằng xã hội học cố gắng diễn giải hành động nhờ phương pháp luận về kiểu loại lý tưởng. Ông thực hành phương pháp này để xây dựng một phân loại học về hành động xã hội gồm bốn kiểu: kiểu hành động truyền thống được thực hiện bởi vì nó vẫn được làm như thế từ xưa đến nay, kiểu hành động cảm tính bị dẫn dắt bởi cảm xúc, kiểu hành động duy lý - giá trị hướng tới các giá trị tối hậu, kiểu hành động duy lý - mục đích hay còn gọi là kiểu hành động mang tính công cụ.

Cách giải thích hành động xã hội

Trước khi có thể tìm ra nguyên nhân của một hành động, cần phải hiểu được ý nghĩa mà chủ thể hành động đã gắn vào hành động đó. Weber phân biệt hai kiểu thấu hiểu. Thứ nhất, hiểu trực tiếp. Chẳng hạn, có thể hiểu được một người đang giận dữ bằng cách quan sát biểu hiện trên nét mặt chúng ta. Kiểu thứ hai là sự thấu hiểu mang tính giải thích. Nhà xã hội học, ở đây hiểu ý nghĩa của một hành động theo nghĩa là những động cơ gắn vào đó. Cách hiểu thứ hai là phải hiểu được vì sao người đó đang giận dữ. Để đạt được kiểu hiểu này, ta phải đặt mình vào tình huống của chúng ta để hiểu được những động cơ đằng sau hành động.

Tuy nhiên, theo Weber, hai kiểu hiểu trên vẫn chưa đủ để giải thích được một chuỗi hành động. Để có một giải thích nguyên nhân đầy đủ, cần phải xác định cái gì đã tạo nên động cơ dẫn đến chuỗi hành động. Đến chỗ này, Weber lại tiến đến tiếp cận thực chứng luận: ông cho rằng phải phát hiện được mối liên hệ giữa các sự kiện thiết lập các quan hệ nhân quả. Weber cho rằng các hành động xã hội. nhất là những hành động xã hội lôi kéo số lớn người cùng hành động theo một cách tương tự cũng có thểdẫn đến những biến đổi xã hội quy mô lớn. Ngay cả khi liên quan đến các nhóm, thiết chế, tổ chức, thì Weber vẫn cho rằng chúng liên quan đến một kiểu nhất định của các hành động xã hội của các cá nhân.
Thuyết tương tác biểu trưng

Theo Herbert Blumer (1969), một trong những nhà tương tác biểu trưng chủ chốt \à là học trò của Mead, tương tác luận biểu trưng dựa trên ba luận đề.

Thứ nhất, con người hành động trên cơ sở các ý nghĩa mà họ gán cho các đối tượng và sự kiện hơn là hành động nhằm phản ứng lại với những kích thích bên ngoài như các động lực xã hội hay với những kích thích bên trong như các bản năng. Do đó, tương tác luận biểu trưng phủ nhận cả quyết định luận sinh học lẫn quyết định luận mang tính thiết chế xã hội.

Thứ hai, các ý nghĩa nảy sinh từ quá trình tương tác hơn là có ngay từ khi bắt đầu và định hình hành động tương lai. Các ý nghĩa được sáng tạo, cải biến, phát triển và thay đổi trong các tình huống tương tác hơn là được cố định và xác định trước. Trong quá trình tương tác, chủ thể không tuân thú một cách nô lệ các chuẩn mực được xác định trước. cũng không máy móc thực hiện các vai trò được thiết lập chính thức.

Thứ ba, các ý nghĩa là kết quả của những thủ tục lý giải mà các chủ thể thực hiện trong bối cảnh tương tác. Bằng việc đóng vai trò của người khác, chủ thể lý giải các ý nghĩa và ý định của người khác. Bằng cơ chế "tự tương tác", các cá nhân biến cải hoặc thay đổi các xác định của họ về tình huống, nhẩm lại các chuỗi hành động thay thế hay loại trừ nhau và cân nhắc những hậu quả khả dĩ. Như vậy, các ý nghĩa chỉ đạo hành động nảy sinh trong quá trình tương tác thông qua một chuỗi những thủ tục lý giải phức tạp.

Một số nhà tương tác luận cho rằng họ khác căn bản với những quan điểm hành động xã hội khác. Họ cho rằng cần phải nhìn xã hòi như là một quá trình tương tác không ngừng. bao gồm các chủ thể liên tục điều chỉnh và lý giải các tình huống với nhau. Trong đánh giá của nhà tương tác luận, các quan điểm xã hội học khác có xu hướng phác hoạ hành động như là một sự phản ứng máy móc với những câu thúc của hệ thống xã hội. Như vây. hành động được xem như là sản phẩm của các yếu tố bên trên và thông qua con người. Thay vì là kẻ sáng tạo ra thế giới xã hội của chính mình, con người lại được phác hoạ là kẻ phản ứng thụ động với những câu thúc bên ngoài. Hành động của họ bị định hình bởi những "nhu cầu” của hệ thống, bởi các giá trị, chuẩn mực và vai trò với tính cách là các phần tử của hệ thống. Không chấp nhận cách nhìn trên, Blumer nhấn mạnh rằng con người là những chủ thể tích cực, hành động trên cơ sở những ý nghĩa mà họ gán vào tương tác xã hội của họ. Đây là quá trình xã hội trong đời sống nhóm, nó tạo ra và xác nhận các quy tắc, chứ không phải các quy tắc tạo ra và xác nhận đời sống nhóm.

Nhà tương tác luận đồng ý rằng ở mức độ nhất định, hành động được cấu trúc hóa, được thường lệ hóa. Nhưng những hiểu biết về tương tác có trước đó chỉ là những chỉ dẫn chung, không phải là một đơn thuốc chính xác và chi tiết cho hành động mà người ta máy móc tuân theo trong mọi tình huống. Trong các chỉ dẫn đó có một không gian đáng kể cho việc thao diễn, thương thảo, điều chỉnh lẫn nhau và lý giải. Thừa nhận sự có thật của các thiết cả xã hội, nhà tương tác luận vẫn cho rằng mặc dù ở đây có những chỉ dẫn chặt chẽ cho hành động, song các hành động được tiêu chuẩn hóa vẫn được kiến tạo nên bởi các chủ thể chứ không phải bởi các hệ thống xã hội.

Một cố gắng tổng hợp của Parsons

Sự nghiệp nghiên cứu của Parsons có thể chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu đánh dấu bằng công trình "The Structure of Social Action" (Cấu trúc của hành động xã hội, 1937). trong đó ông cố gắng tổng hợp di sản của Weber, Durkheim và Vilfredo Pareto, đưa ra lý thuyết hành động xã hội tự giác. Giai đoạn hai ông xây dựng lý thuyết chức năng cấu trúc, thể hiện trong "The Social System " (Hệ thống xã hội , 1951). Giai đoạn ba Parsons đưa ra mô hình điều khiển học về các hệ thống xã hội và biến đổi xã hội với hai công trình: "Societies: Evolutionary Comparative Perspectives" (Các xã hội: những quan điểm so sánh tiến hóa, 1966) và "The System of Modern Societies" (Hệ thống của các xã hội hiện đại 1971).

Trong lý thuyết hành động tổng quát, parsons mượn quan điểm của Weber: cốt lõi của mọi hành động xã hội là ý nghĩa, do đó để hiểu được hành động phải hiểu được ý nghĩa gắn với hành động đó. Mặt khác, Parsons cũng chấp nhận quan điểm của Durkheim rằng có một trật tự đạo đức điều khiển xã hội. Từ đó, parsons xây dựng khái niệm "khung tham chiếu hành động", cụ thể hóa hơn lập luận của Weber. Để hiểu hành động cần hiểu được bản chất chủ quan của hành động, tức là hiểu ý nghĩa của nó. Nhưng tiếp đó phải tiến đến phân tích các mục tiêu và phương tiện xung quanh hành động, những điều này nảy sinh trong bối cảnh các giá trị và chuẩn mực hình thành một cách tập thể. Đây chính là khung tham chiếu hành động, trong đó là sự định hướng mang tính chuẩn mực của con người định hướng vào các niềm tin, giá trị, chuẩn mực. Như vậy, nếu ý nghĩa là thành phần cơ bản của hành động trong quan niệm của Weber, thì đối với Parsons chính cái định hướng chuẩn mực nói trên mới là thành phần cơ bản của hành động.

Khái niệm "khung tham chiếu hành động" giúp Parsons giải thích về trật tự xã hội: xã hội vận hành thông qua hành động xã hội, hành động xã hội được cấu trúc hóa, mang tính chuẩn mực, bởi những giá trì hình thành một cách tập thể trong xã hội. Con người là chủ thể, tìm kiếm việc tối đa hóa phần thưởng thông qua hành động. Hành động nhằm đạt được mục đích đó được thiết chế hóa vào một cơ cấu các vị thế và vai trò.

Tiến trình tư tưởng của Parsons minh họa cho sự chuyển dịch và tổng hợp của một xã hội học đi từ tiếp cận hành động đến hệ thống. Thoạt tiên, Parsons xuất phát từ tiếp cận hành động. ông cho rằng nhiệm vụ phân tích đầu tiên của lý luận xã hội học là phải cách ly được trên khái niệm một đơn vị cơ bản nhất mà từ đó các quá trình và cấu trúc phức tạp đã được xây dựng nên. Trong trường hợp này, đó là hành động xã hội. Logic tư duy của Parsons tương tự cách mà Mác đã làm trong bộ "Tư bản": đi từ việc phân tích "hàng hóa" như là xuất phát điểm để phân tích toàn bộ xã hội tư bản chủ nghĩa.

Theo tạp chí Khoa học xã hội

Nguyen Hong Ha
Admin

Tổng số bài gửi : 22
Registration date : 09/11/2007

https://tamly-xahoi-k38.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết